Chủ Nhật, 3 tháng 8, 2014

CÔNG DÂN BÙI THỊ MINH HẰNG KHÔNG PHẠM TỘI HÌNH SỰ (BÀI 1)

NTB) Bản kết luận điều tra số 14/KLĐT-PC44 của Công an tỉnh Đồng Tháp, đề ngày ký 02-07-2014 đã cho rằng ba công dân Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Văn Minh và Nguyễn Thị Thúy Quỳnh “cùng can tội gây rối trật tự công cộng”.
Tuy nhiên nội dung của bản kết luận này cho thấy khả năng không chỉ các điều tra viên, mà ngay cả đại tá Lê Văn Bé Sáu, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Tháp đã có những nhầm lẫn cách hiểu về chứng cứ, vật chứng trong việc xác định hành vi phạm tội hình sự ở Điều 245 của Bộ Luật Hình sự.
Minh Tâm
Bài 1:
Công an vu khống?
Theo mô tả của kết luận điều tra, khoảng 10 giờ ngày 11-02-2014, tổ tuần tra kiểm soát giao thông khi đi đến khu vực cầu Nông Trại trên huyện lộ DH67B thuộc ấp An Quới, xã Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò thì phát hiện phía trước, ngược chiều có một nhóm người đi trên 11 xe mô tô từ hướng ngã ba ra tỉnh lộ 849.
Công an nói gì?
Các xe mang biển số 67TA-0361 và 67L1-38193, trong đó có hai người đàn ông tên là Nguyễn Vũ Tâm và Võ Văn Bửu điều khiển xe chạy đi đầu có hành vi chạy dàn hàng ngang từ ba xe trở lên (còn người chạy xe bên trong lề đường không rõ họ tên, không vi phạm luật giao thông) gây cản trở giao thông nên đồng chí Nguyễn Đức Nhã ra hiệu lệnh dừng xe theo quy trình để kiểm tra giấy tờ đối với hai xe vi phạm nói trên. Thấy cảnh sát giao thông ra hiệu lệnh dừng xe của Tâm và Bửu để kiểm tra thì nhóm người đi chung với Tâm và Bửu dừng xe lại gồm những người sau:…” (dừng trích).
Kết luận điều tra cho biết do việc dừng xe này gây cản trở giao thông nên công an yêu cầu “các xe này nép sát vào lề đường”. “Trong lúc này Nguyễn Văn Minh người phía sau xe mô tô do vợ là Bùi Thị Diễm Thúy điều khiển, nhảy xuống dùng tay phải đánh trúng vào tay phải của đồng chí Danh một cái” (dừng trích). Không chấp hành, nhóm người đi chung đã chửi và la lớn tiếng.
Lúc này, người dân tại địa phương thấy bất bình trước thái độ hung hãn, xem thường pháp luật của các đối tượng trên nên ra xem thì bị can Bùi Thị Minh Hằng và Nguyễn Thị Thúy Quỳnh tiếp tục có những lời lẽ chửi bới tổ tuần tra như: “Công an là đồ ăn cướp”, “Công an chặn đường cướp tài sản”, “Đả đảo Cộng sản”, “Đả đảo chính quyền địa phương” và chửi luôn cả người dân ở địa phương là “đồ ngu dân” (…); Lúc đó tại khu vực này có khoảng 700 người dân hiếu kỳ đến xem làm cho người đi đường không thể qua lại được, gây ùn tắc giao thông trên đường huyện lộ DH67B một đoạn đường dài khoảng 500m” (dừng trích).
Công an sai luật khi cáo buộc
Những nội dung như trích dẫn nói trên cho thấy khả năng về cáo buộc tội hình sự ở ba công dân Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Văn Minh và Nguyễn Thị Thúy Quỳnh là “hành vi vu khống” từ phía cơ quan công an điều tra.
Thứ nhất, công an nhìn nhận chỉ có 02 xe máy biển số 67TA-0361 và 67L1-38193 là dấu hiệu chạy dàn hàng ngang. Theo Nghị định 171/2013/NĐ-CP (Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 01-01-2014), không có quy định nào xử phạt với hành vi điều khiển xe gắn máy dàn hàng ngang 02 xe, mà chỉ có khi người lái xe dàn hàng ngang từ 03 xe trở lên.
Cụ thể tại Điểm b, Khoản 2, Điều 6, Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy khi thực hiện hành vi vi phạm: “Điều khiển xe chạy dàn hàng ngang từ 03 (ba) xe trở lên”. Như vậy, theo đó, đi xe gắn máy dàn hàng ngang 02 xe sẽ không bị xử phạt.
Thứ hai, theo quy định tại Điều 64 của Bộ Luật Tố tụng hình sự (BLTTHS), thì: “1. Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự do Bộ luật này quy định mà Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án.
2. Chứng cứ được xác định bằng: a) Vật chứng; b) Lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; c) Kết luận giám định; d) Biên bản về hoạt động điều tra, xét xử và các tài liệu, đồ vật khác”.
Theo quy định của BLTTHS thì một thông tin, tài liệu chỉ có thể được coi là chứng cứ của vụ án khi nó có đủ ba thuộc tính sau: Tính khách quan: Là những gì có thật và phản ánh trung thực những tình tiết của vụ án hình sự đã xảy ra; Tính liên quan: Có mối quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với vụ án. Nhưng cho dù là trực tiếp hay gián tiếp thì đó cũng phải là mối quan hệ nội tại, có tính nhân quả, tức là chứng cứ phải là kết quả của một loại hành vi hoặc hành động hoặc một quan hệ nhất định; ngược lại, hành vi, hành động hoặc quan hệ đó là nguyên nhân dẫn đến việc hình thành các chứng cứ này. Tính hợp pháp: Tất cả những gì có thật phải được cung cấp, thu thập, nghiên cứu, bảo quản theo một trình tự do luật định. Đây là trình tự nhằm bảo đảm giá trị chứng minh của chứng cứ.
Trong bản kết luận điều tra số 14/KLĐT-PC44 của Công an tỉnh Đồng Tháp, toàn bộ phần chứng cứ liên quan đến cáo buộc “gây rối trật tự công cộng”, chỉ gồm lời lẽ được cho là “chửi bới tổ tuần tra như: “Công an là đồ ăn cướp”, “Công an chặn đường cướp tài sản”, “Đả đảo Cộng sản”, “Đả đảo chính quyền địa phương” và chửi luôn cả người dân ở địa phương là “đồ ngu dân”.
Thứ ba, bản kết luận điều tra cho biết công an đã thu giữ tại hiện trường, gồm có: “Một tấm băng-rôn bằng vải màu vàng, chữ màu đỏ, kích thước 1,4m x 56cm có nội dung “Đả đảo công an côn đồ bắt người trái pháp luật”; Một tấm băng-rôn bằng vải màu vàng, chữ màu đỏ kích thước 1,4m x 59cm có nội dung “Yêu cầu xử lý công an côn đồ để làm gương cho dân”; Một tấm băng-rôn bằng vải màu vàng, chữ màu đỏ, kích thước 1,4m x 56cm có nội dung: “Đả đảo những tên cộng sản đập phá bàn thờ Đức Huỳnh Giáo Chủ”; Một tấm băng-rôn bằng vải màu vàng, chữ màu đỏ, kích thước 80cm x 50cm, có nội dung: “Cực lực lên án công an, C.S khủng bố xúc phạm tôn giáo”. “Thu giữ trong người của bị can Bùi Thị Minh Hằng: một điện thoại di động nhãn hiệu Iphone, Model A1332 EMC 380BFFC ID: BCG-E2380B IC: 579C-E2380B. Điện thoại đã qua sử dụng, không kiểm tra chất lượng bên trong” (trích phần II, bản kết luận điều tra).
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét