Mặc Lâm, biên tập viên RFA
Buổi họp mặt Thương phế binh do Dòng Chúa Cứu Thế tổ chức vào
ngày 28 tháng 4 năm 2014, tại giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, 38 Kỳ Đồng, quận 3,
Sài Gòn.
Sau nhiều tuần lễ chuẩn bị, sáng hôm nay, cuộc gặp gỡ trao đổi
và phát quà tặng cho anh em thương phế binh đã diễn ra tại Dòng Chúa Cứu Thế
Sài Gòn.
Hoàn toàn tự nguyện
Vào ngày 12 tháng Tư vừa qua nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế đã ra
thông báo nơi này đã nhận được 421 tên của các thương phế binh ghi danh tham dự
buổi họp mặt và nhận quà tặng sẽ được Dòng Chúa Cứu Thế tổ chức vào ngày hôm
nay 28 tháng Tư 2014, tại giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, 38 Kỳ Đồng, quận 3, Sài
Gòn.
Việc làm này hoàn toàn tự nguyện do nhìn thấy sự bất công trên
gia đình họ đã quá lâu không được ai chú ý. Là những người đã đổ một phần xương
máu cho đất nước nhưng rất mỉa mai vì họ là người thua cuộc vì vậy không có bất
cứ chế độ giúp đỡ nào đối với họ ngay cả danh nghĩa trợ giúp cho người tàn tật.
Một thương phế binh nói với chúng tôi trong khi đang trình thẻ để
vào tham dự buổi họp mặt tại bàn tiếp tân:
Tôi cảm thấy rất vui mừng vì năm ngoái tôi đã tham dự rồi và năm
nay tôi tham dự lần thứ hai. Sau 39 năm thì hai năm nay anh em tụi tôi không
còn cô đơn lắm.
-Phạm Tế Thái
“Tên tôi là Phạm Tế Thái, hạ sĩ quan trừ bị khóa 7/73, ra trường
cuối năm 73 về trình diện tiều khu Vĩnh Long thuộc tiều đoàn 521 đại phương
quân tiểu khu Vĩnh Long trực thuộc chi khu huyện Vũng Liêm. Khung cảnh hôm nay
bây giờ mới hơn 8 giờ các anh em đến cũng hơn phân nửa rồi đang nhận thẻ đeo ở
cổ vào trong này sinh hoạt với anh em khoảng chừng nửa tiếng nữa thì chắc anh
em cũng đến đầy đủ hết, trên 400 anh em. Tôi cảm thấy rất vui mừng vì năm ngoái
tôi đã tham dự rồi và năm nay tôi tham dự lần thứ hai. Sau 39 năm thì hai năm
nay anh em tụi tôi không còn cô đơn lắm.
Linh mục Giám tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Phạm Trung Thành cho biết cảm
nghĩ của ông sau khi phát biểu với anh em thương phế binh cùng gia đình họ vào
sáng hôm nay:
“Đối với cá nhân tôi, tôi lớn lên trong cùng thế hệ với anh em
thương phế binh. Tuổi trẻ của chúng tôi đã đi qua chiến tranh, đi qua mất mát
đau khổ và tôi biết anh em là những người chịu thiệt thòi rất nhiều trong những
năm qua vì hoàn cảnh. Chúng tôi tổ chức cuộc họp mặt này như gửi đến anh em một
sứ điệp là tuy đau khổ còn đó nhưng Chúa phục sinh sẽ mang lại niềm vui bởi
tình yêu thương và sự chia sẻ với nhau.
Thứ hai nữa là anh em chúng mình những người có điều kiện tốt
hơn phải công bằng với những anh em đã bị mất mát quá nhiều. Phải càng ngày
càng gần nhau hơn trong tình thương, gần nhau hơn trong sự đoàn kết để xây dựng
một cuộc sống tốt đẹp.”
Blogger Huỳnh Công Thuận một thiện nguyện viên lo phần ghi danh
cho anh em thương phế binh trong tổ chức cho biết:
Buổi họp mặt Thương phế binh do Dòng Chúa Cứu Thế tổ chức vào
ngày 28 tháng 4 năm 2014, tại giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, 38 Kỳ Đồng, quận 3,
Sài Gòn. Photo by Blogger Huỳnh Công Thuận
“Số người năm nay đột biến quá nó lên tới bốn trăm mấy năm trăm
người. Nói chung năm nay anh em đóng góp rất nhiệt tình. Số những làm thiện
nguyện rất đông nhưng không dám nhận hết. Hai nữa, số người thương phế binh
tăng quá. Theo chương trình đưa ra giống như năm ngoái thì khoảng 200 cho tới
300 là quá rồi, nhưng bây giờ đã lên tới 420 chưa nói có thêm 50 người là thân
nhân bởi có những thương phế binh nặng đi không được phải có người đi kèm thành
ra số người lên tới hơn 500 người cho nên sự tổ chức rất là khó khăn nhưng mà
cũng coi như đã làm tròn rồi.”
Từ gần 40 năm qua mọi kinh phí an sinh xã hội nhà nước đều đổ về
cho thương binh liệt sĩ và ai cũng xem chuyện làm ngơ đối với thương phế binh
chế độ cũ là điều hiển nhiên. Lý do vì họ đã cầm súng chống lại đội quân cách mạng
và bây giờ đội quân ấy đã làm chủ đất nước, phải được đãi ngộ là đúng đắn.
Thật ra từ vài năm nay hải ngoại đã cố hàn gắn thương đau của
anh em thương phế binh trong nước qua các hoạt động gây quỹ hằng năm. Nhiều tiểu
bang đã tự tổ chức lấy việc làm tốt đẹp này trong hàng ngũ cựu chiến binh, gia
đình HO ngay cả những người không liên can gì đến quân đội cũng vui vẻ chia sẻ
những đồng tiền nhỏ bé của họ để gửi về giúp cải thiện phần nào cho cuộc sống
tàn phế của anh em trong nước.
Sự góp sức của hải ngoại
Nhưng trội hơn hết là hoạt động gây quỹ giúp thương phế binh tại
California hàng năm qua chương trình Cám ơn anh do trung tâm băng nhạc ASIA phối
hợp với hơn 60 hội đoàn và hàng chục đơn vị truyền thông tổ chức từ bảy năm
qua. Lần mới nhất vào năm ngoái đã quyên góp được gần 750 ngàn đô la tại miền Bắc
California.
Sự góp sức của hải ngoại rõ ràng đã góp phần xoa dịu phần nào vết
thương cơm áo vẫn hàng ngày làm nhức nhối những gia đình thương phế binh bất hạnh.
Tuy nhiên, hoạt động ngày gặp mặt hàng năm cùng bữa cơm đạm bạc, chia sẻ tâm sự
giữa những người đồng cảnh có lẽ là cần thiết và đáng làm hơn cả nhất là vào dịp
30 tháng 4 những người lính này càng cảm thấy cô đơn và bị bỏ rơi hơn bao giờ hết.
Quà thì đúng ra không đáng kể bằng tổ chức cho anh em thương phế
binh mấy mươi năm mới gặp nhau để hàn huyên tâm sự nói chuyện đời xưa với
nhau.
-Blogger Huỳnh Công Thuận
Mặc dù số tiền 1 triệu đồng cho mỗi gia đình thương phế binh là
không thấm vào đâu so với vật giá hiện nay, nhưng số tiền ít ỏi ấy ban tổ chức
phải vắt trán ra tìm cách giải quyết và kết quả thế nào cũng nói lên sự thành
tâm mà những người đứng ra tổ chức: họ muốn tạo những nụ cười trên các bờ môi
đã khô héo sau hơn ba mươi năm bị bỏ quên bởi chính quyền hiện nay.
Blogger Huỳnh Công Thuận nói về niềm vui của anh khi làm việc
qua quyết định của các linh mục trong vấn đề thiếu hụt quà cho anh em:
“Quà thì đúng ra không đáng kể bằng tổ chức cho anh em thương phế
binh mấy mươi năm mới gặp nhau để hàn huyên tâm sự nói chuyện đời xưa với nhau
rồi ca hát vui vẻ với nhau. Phần quà năm nay cũng cao, một triệu tiền mặt một
người cộng với phục vụ ăn uống buổi trưa cho cả gia đình họ. Do số người vượt
quá nên số tiền bị thiếu nhưng các cha trong DCCT không chịu bớt và phải ráng ứng
ra cho mỗi người một triệu luôn, số tiển này cũng cao chứ thường ra chỉ có 500
ngàn một người.
Các cha nói tội nghiệp người ta đoạn đường xa xôi, tới đây chi
phí đi đường cũng nặng. Có những người người ta tới trễ vì nghe tin trễ tội
nghiệp lắm, người ta không nộp hồ sơ không ghi danh kịp thì phải hẹn lại kỳ sau
thôi vì có một số hồ sơ phải giữ cho kỳ tới chứ bây giờ không làm xuể.”
Khi được hỏi chính quyền có tỏ ra khó khăn trước việc tập trung
quá đông người như hôm nay cũng như tổ chức làm việc từ thiện mà không xin giấy
phép sẽ gây ra rất nhiều phiền nhiễu cho người tổ chức, anh Huỳnh Công Thuận
cho biết:
“Chính cái chỗ sợ, e ngại nhà nước không đồng ý gây trở ngại cho
nên mới đem về đây làm. Hồi nào giờ nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế không có làm. Việc
này bên chùa Liên Trì của thượng tọa Thích Không Tánh tổ chức nhưng cứ bị công
an rầy rà cản trở gây khó khăn hoài cho nên năm rồi có nhờ bên nay làm giùm vì
vậy năm nay nhà thờ DCCT đứng ra tổ chức luôn.
Tôi thấy người ta muốn cản thì cũng phải đứng ở ngoài đường thôi
không được vô trong khuôn viên này được. Trong này trật tự an ninh rất chặt chẽ,
chúng tôi làm việc rất căng thẳng vụ này lắm. Anh em nào lạ mặt thì dứt khoát bị
mời ra không nói gì nhiều. Anh em thương phế binh phải đăng ký trước, có thẻ mới
được mang thẻ vào.”
Vào dịp 30 tháng 4 năm nay nhà nước đang tạo niềm tin cho đồng
bào hải ngoại về sự hòa giải trong ngoài qua các chuyến đi thăm đảo Trường Sa,
cầu siêu cho những linh hồn các tử sĩ nhưng lại không chú ý tới công việc hết sức
bức thiết hiện nay là hòa giải với người sống, và hơn nữa với những người sống
nhưng không vẹn toàn thân thể.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét